Công dụng của bộ thí nghiệm: Dùng thiết bị để dạy những bài trong chương trình Vật lý THCS Lớp 9 ở Bài 26 Ứng dụng của nam châm. Về cách sử dụng thiết bị này, giáo viên giảng giải lý thuyết và hướng dẫn thiết bị cho học sinh nắm được lý thuyết cũng như tác dụng của nam châm điện và rơ le điện từ. Lưu ý, khi sử dụng thiết bị cần chú ý an toàn về điện.
-Bảng mạch điện (1 cái, có thể dùng Mica hoặc nhựa)
-Công tắc (1 cái)
-Quạt nhỏ (1 cái, cũng có thể dùng bóng điện nhỏ)
-Nam châm điện (1 cái, có thể tự làm hoặc tận dụng ở những thiết bị điện khác).
-Giắc cắm (8 cái, 4 đỏ, 4 đen)
-Lá đồng nhỏ (1 cái, khoảng 3 cm
-Dây nối (12 dây)
-ốc vít (2 cái, 0.5 cm).
Dụng cụ: bút, kéo, tua vít, máy khoan.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Phác họa sơ đồ
Đầu tiên, với bảng mạch điện, ta phác họa sơ đồ thiết bị, đánh dấu các điểm đặt thiết bị bằng bút đỏ. Sau đó dùng máy khoan khoan các điểm đã đánh dấu, ta đã phác họa được sơ đồ thiết bị.
Bước 2: Tiến hành lắp ráp
-Sau khi đã khoan các điểm đã đánh dấu, ta lắp ráp các thiết bị gồm: quạt hoặc bóng đèn, công tắc, nam châm điện. Với mỗi thiết bị ta đều có 2 giắc cắm đi cùng, chú ý 1 đỏ, 1 đen để dễ phân biệt 2 cực của nguồn điện.
-Với nam châm điện ta có thể tự làm: lấy dây đồng quấn xung quanh một hình trụ rỗng, có thể là nhựa, hai đầu hình trụ có điểm để dây đồng không bị tuột ra ngoài. Bên trong hình trụ rỗng ta cho vào đó một miếng thép sao cho vừa đủ với hình trụ.
-Chỗ tiếp điểm của nam châm điện với mạch điện, ta dùng miếng đồng một đầu có gắn miếng thép làm tiếp điểm. Chú ý khoảng cách giữa thanh nam châm và tiếp điểm đủ nhỏ để lực hút của nam châm có hiệu quả. Nam châm điện càng mạnh, khoảng cách có thể càng lớn. Dùng một đoạn nhựa hoặc gỗ làm giá đỡ miếng đồng.
-Chú ý : Làm 4 chân đế 4 góc cho thiết bị để tạo độ thoáng và để các dây nối không bị vướng. Độ dài các dây nối chú ý đủ, vừa và gọn gàng.
Thiết bị Rơ le điện từ (mặt trước)
Hướng dẫn sử dụng
-Giáo viên giảng giải lý thuyết và hướng dẫn thiết bị cho học sinh nắm được lý thuyết cũng như tác dụng của nam châm điện và rơ le điện từ.
-Khi đóng công tắc, mạch 1 có dòng điện. Khi mạch 1 có dòng điện sẽ làm cho nam châm hút thanh sắt và làm đóng tiếp điểm, mạch 2 có dòng điện và động cơ hoạt động.
Chú ý
-Khi sử dụng thiết bị cần chú ý an toàn về điện.