Hiện nay, đa phần các phòng thí nghiệm vật lý tại các trường học còn rất hạn chế về số lượng cũng như chất lượng đồ dùng dạy học dẫn đến các hoạt động thực hành, trải nghiệm của nhà trường chưa thực sự tốt. Sản phẩm sáng tạo – Vôn kế Mini tiện dụng cho thợ sửa điện giải quyết vấn đề trên
1. Tính mới, tính sáng tạo, ý tưởng của người dự thi:
Trước thực tế đó, Trường THPT Thạnh Tân đã phát động phong trào “Tự làm đồ dùng dạy học và học tập”; cũng như phong trào “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ VIII năm 2021” đã được sự ủng hộ nhiệt tình của tập thể học sinh và giáo viên nhà trường.
Hòa chung không khí các phong trào, cùng với thực trạng các vôn kế tại phòng thí nghiệm của trường, cũ kỹ, cồng kềnh em quyết định tạo ra 1 chiếc Vôn kế Mini với giá thành sản xuất thấp khoảng 50.000 sẽ góp phần hỗ trợ cho việc thực hành, trải nghiệm của bản thân cũng như giúp các bạn có được dụng cụ học tập độc lập, trong tiết thực hành nói chung, trong bộ môn vật lí nói riêng được tốt hơn. Bởi lẽ đa phần các phong thí nghiệm tại các trường chỉ trang bị được từ 5 – 10 Vôn kế, trong khi mỗi lớp thì lại có từ trên 30 học sinh, vì thế trong mỗi tiết thực hành ngắn ngủi các bạn lại phải chạy đua với thời gian để có cơ hội tự tay tiếp xúc với chiếc vôn kế. Bên cạnh đó, với thiết kế nhỏ gọn, chiếc vôn kế mini của em cũng dễ dàng để mang đến lớp như một dụng cụ học tập hàng ngày. Đồng thời mở ra cho bọn em có một cái nhìn khác về vai trò của sự sáng tạo đối với nhu cầu cuộc sống hiện nay, nhất là đối với thế hệ học sinh đang tiệm cận với nền giáo dục 4.0 hiện đại.
2. Các vật liệu làm ra sản phẩm:
– Hộp nhựa (vỏ hộp tăm bông đã qua sử dụng)
– Đồng hồ Vôn kế 0-110VDC
– Bộ mạch và pin sạc lipo (5V-1A-5600mah) có đèn báo
– Một công tắc 3 chân
– Một số vật dụng khác (nhựa từ thân của tăm bông, dây điện…)
3. Cách lắp đặt, lắp ráp, sử dụng, vận hành:
a. Lắp ráp:
Bước 1: Lắp đồng hồ Vôn kế và Công tắc vào hộp chứa.
Bước 2: Lắp pin vào mạch sạc, đồng thời lắp chúng vào hộp chứa.
Bước 3: Nối điện cho đồng hồ, công tắc và pin.
Bước 4: Lắp 2 dây điện (1 dây âm- 1 dây dương) từ đồng hồ ra ngoài để đo điện áp.
Bước 5: Cố định các mối nối bằng băng keo và keo nến.
b. Vận hành:
Mở công tắc, dòng điện từ pin chạy qua cho phép đồng hồ led vôn kế hoạt động. Ta dùng 2 dây nối ra từ đồng hồ để đo điện áp của nguồn 1 chiều (dây đỏ tiếp xúc với cực dương, dây đen tiếp xúc với cực âm của nguồn cần đo). Giá trị đo được là số hiển thị trên đồng hồ (0-100V).
Với 2 viên pin lipo đảm bảo cho Vôn kế hoạt động liên tục trên 5h đồng hồ. Thời gian chờ lên đến hơn 2 tuần. Sau khi hết pin có thể dùng cáp sạc các dòng điện thoại Androi để sạc cho pin của vôn kế. Khi đủ pin đèn sẽ báo sẽ tắt ( khoảng 3-4h đồng hồ).
Lưu ý: Nên đo điện áp dưới 24V để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đặc biệt là đối với học sinh.
4. Hiệu quả – lợi ích của giải pháp:
Trong thực tế, các thiết bị vôn kế trên thị trường giá cả rất đắc đỏ, chúng thường sử dụng pin không có khả năng sạc lại khiến cho người dùng lại tốn thêm một khoản chi phí mua pin cho sản phẩm sau một thời gian sử dụng. Với việc đo tương đối chính xác điện áp nguồn (độ sai lệch chỉ xấp xỉ 3o/oo ). Giải pháp này đã góp phần giải quyết được hầu hết các nhược điểm trên. Chính vì thế mà lợi ích tạo ra rất lớn và hiệu quả rất cao.
5. Khả năng áp dụng, nhân rộng giải pháp:
Đây là sản phẩm được sáng tạo phổ thông, các vật liệu sản xuất đơn giản dễ tìm, tất cả đối tượng học sinh phổ thông đều làm được và các cô chú đam mê sáng tạo đều có thể dễ dàng làm và áp sản phẩm một cách hiệu quả. Hơn thế nó như người bạn đắc lực giúp các bạn học sinh đến gần hơn với các tiết hành điện khô khan nói riêng, đến gần bộ môn vật lý nói chung. Vì thế khả năng nhân rộng sản phẩm này ở nhiều trường học là rất khả thi.
Sản phẩm Vôn kế ra đời như tiếp thêm động lực để em có thêm nhiều sáng kiến mới hơn và thiết thực hơn không chỉ để phục vụ cho bản thân em mà còn phục vụ cho nhu cầu của đời sống xã hội. Đồng thời mở ra cho em và nhiều bạn học sinh một cái nhìn khác về vai trò của sự sáng tạo đối với nhu cầu cuộc sống hiện nay, nhất là đối với thế hệ học sinh đang tiệm cận với nền giáo dục 4.0 hiện đại.
Ngày 09 tháng 03 năm 2021
Nguyễn Trọng Nguyễn – Lớp 12A1 – Trường THPT Thạnh Tân