Khi lựa chọn máy in không dây, ngoài các tiêu chí quan trọng như giá cả, thiết kế máy in, chế độ hỗ trợ và chăm sóc khách hàng của công ty thì tiêu chí về các chuẩn in ấn không dây cũng được nhiều người dùng quan tâm. Các chuẩn in ấn không dây này nhằm giúp cho việc in ấn được dễ dàng hơn và tiện lợi hơn, nhưng cách thức hoạt động của chúng lại hoàn toàn khác nhau. Bài viết sau đây xin điểm qua các chuẩn in ấn mở rộng trên các dòng máy in thông dụng hiện nay.
Về cơ bản, chuẩn in ấn không dây Wi-Fi là một dạng của chuẩn in ấn sử dụng cổng USB và nó cũng đòi hỏi người dùng phải cài đặt trình điều khiển lên thiết bị. Khi kích hoạt chế độ Wi-Fi, máy in sẽ tự kết nối vào chung mạng không dây với các thiết bị trong gia đình, văn phòng như máy tính xách tay, điện thoại thông minh và máy tính bảng. Với kết nối Wi-Fi, bạn có thể chia sẻ máy in với nhiều máy tính nhưng cần phải cài đặt trình điều khiển phù hợp trước khi thực hiện lệnh in.
Tuy nhiên, vấn đề in ấn sẽ trở nên phức tạp khi muốn in ấn từ xa từ một chiếc iPhone, điện thoại Android, iPad hoặc một máy tính bảng, vì phải tìm kiếm và cài đặt trình điều khiển phù hợp với thiết bị đang dùng.
*Chuẩn không dây Bluetooth
Tuy không phổ biến bằng chuẩn không dây Wi-Fi nhưng một số dòng máy in không dây vẫn hỗ trợ chuẩn kết nối Bluetooth. Để sử dụng tính năng in ấn qua Bluetooth thì chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính xách tay cần phải mở chế độ Bluetooth.
Kết nối Bluetooth chỉ hoạt động hiệu quả khi các thiết bị và máy in phải đặt ở gần nhau. Máy in sử dụng kết nối Bluetooth có thể hơi bất tiện, bởi vì trong quá trình ghép nối Bluetooth đòi hỏi cả thiết bị và máy in phải phát ra sóng radio. Trong khi đó, với một máy in hỗ trợ chuẩn kết nối Wi-Fi thì bất kì thiết bị nào dùng chung mạng Wi-Fi đều có thể in ấn được mà không cần phải đặt gần nhau.
*Chuẩn Apple AirPrint
AirPrint là công nghệ in ấn không dây của Apple, xuất hiện lần đầu trên phiên bản iOS 4.2.1, được trang bị trên các thiết bị iPhone, iPad, iPod touch, chuẩn này đã giải quyết được những bất tiện về trình điều khiển máy in và kết nối không dây Bluetooth. Hầu hết các nhà sản xuất máy in không dây hiện nay đều trang bị chuẩn Apple AirPrint cho máy in của họ nên người dùng không cần phải mua thêm thiết bị của Apple để tương thích với AirPrint.
Khi sử dụng một máy in hỗ trợ chuẩn AirPrint thì bạn chỉ cần kết nối máy in với mạng không dây Wi-Fi, rồi mở chọn lệnh in trên ứng dụng hoặc phần mềm của iPhone, iPad hoặc máy Mac. Khi đó, bạn sẽ thấy một danh sách các máy in tương thích với AirPrint trong mạng nội bộ, chọn máy in để thực hiện lệnh in. Ưu điểm của chuẩn này là các thiết bị của Apple tự động nhận máy in AirPrint trên cùng một mạng Wi-Fi, người dùng có thể in ngay mà không cần phải thiết lập gì thêm.
Tuy Apple AirPrint mang đến nhiều tiện lợi nhưng có nhược điểm là chỉ hỗ trợ thiết bị của Apple. Người dùng thiết bị Windows hoặc thiết bị Android không thể sử dụng được AirPrint.
*Chuẩn Google Cloud Print
Google Cloud Print là dịch vụ đám mây của Google cho phép kết nối máy in của bạn với nhiều thiết bị thông qua kết nối điện toán đám mây, đây cũng chính là giải pháp của Google dành cho in ấn không dây. Để có thể in ấn bằng chuẩn Google Cloud Print, người dùng cần phải đăng nhập vào tài khoản Google, rồi thiết lập một số bước trên trình duyệt Chrome trên Windows. Google Cloud Print cũng đã được tích hợp vào hệ điều hành Android, cũng như có ứng dụng hỗ trợ cho thiết bị iOS của Apple. Ưu điểm của chuẩn này là có thể dễ dàng chia sẻ máy in của bạn với nhiều người khác thông qua tài khoản Google. Và không giống như AirPrint của Apple, Google Cloud Print hỗ trợ nhiều hệ điều hành khác nhau nên người dùng có thể kết nối từ bất kì thiết bị nào.
*Chuẩn iPrint, ePrint và giải pháp riêng của nhà sản xuất
Không chỉ có Apple và Google mới có các chuẩn dành cho in ấn không dây, các nhà sản xuất máy in còn tạo ra chuẩn in ấn dành riêng cho họ, ví dụ như Epson iPrint, HP ePrint,…Bạn có thể tìm thấy các ứng dụng này trên các cửa hàng ứng dụng dành cho thiết bị di động, như Google Play, App Store. Trong trường hợp bạn có một máy in Wi-Fi không hỗ trợ các chuẩn Apple AirPrint hoặc Google Cloud Print thì ứng dụng của nhà sản xuất là một giải pháp hữu ích.